1982
Kiểm định chất lượng được áp dụng tại Việt Nam từ những năm đầu tiên của thế kỷ 21 với mô hình đánh giá ngoài thử nghiệm cho 40 cơ sở giáo dục đại học cho thấy Việt Nam đã quyết định lựa chọn kiểm định chất lượng đối với cơ sở giáo dục (CSGD) trước kiểm định chương trình đào tạo (CTĐT). Các hoạt động kiểm định chất lượng CSGD đã giúp cho các trường đại học có trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Sau hơn 10 năm “thử nghiệm” đánh giá ngoài đối với các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu thực tế ở các nước, trong vòng 10 năm nhất là 03 năm gần đây, Việt nam bắt đầu đẩy mạnh kiểm định các CTĐT. Do kinh nghiệm các nước cho thấy kiểm định CTĐT có tác động trực tiếp đến chất lượng người dạy, người học, vốn là các đối tượng quan trọng nhất làm nên chất lượng của một trường đại học. Việc này cũng hợp lý hơn khi Việt Nam tham gia vào hệ thống bảo đảm chất lượng của các nước Đông Nam Á, với các tiêu chuẩn đánh giá của AUN-QA. Ngay những thời gian đầu tiên, nhiều trường đã đầu tư nhiều nguồn lực cho việc tự đánh giá và đánh giá ngoài, và sau đó là hình thành văn hóa chất lượng trong đơn vị của mình.
Điển hình như Trường Đại học Công Thương TP.HCM (trước đây là Trường Đại học Công Nghiệp Thực phẩm TP.HCM); khi CEA-SAIGON tham gia tư vấn từ 2016-2019, Nhà trường đã mạnh dạn/đẩy mạnh đầu tư cho công tác tự đánh giá, hướng đến cải tiến chất lượng CTĐT đáp ứng yêu cầu trong nước và chuẩn quốc tế (bao gồm phát triển nguồn nhân lực bảo đảm chất lượng, xây dựng và cải tiến CTĐT, rà soát và chỉnh sửa các đề cương chi tiết, các quy trình, quy định quản lý CTĐT, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều tra khảo sát, v.v...). Chính tầm nhìn xa đã giúp cho Trường đi từ giai đoạn đầu tiên là đáp ứng quy định tối thiểu đến việc xây dựng quy trình, lộ trình và sau đó là một hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong mang tính bền vững. Đánh giá và công nhận bên ngoài là hệ quả tất yếu của quá trình này.
Đợt khảo sát chính thức kiểm định chất lượng 04 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ
Là một trong các Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Đại học của Việt Nam CEA-SAIGON với một đội ngũ kiểm định viên cơ hữu và 60 cộng tác viên là các kiểm định viên, trong đó hầu hết đều là những người chịu trách nhiệm chính trong công tác tự đánh giá các CTĐT tại các trường đại học. Khi CEA-SAIGON đặt 03 câu hỏi chính với 57 người:
1/ Kiểm định chất lượng các CTĐT giúp cho các trường/khoa cải tiến chất lượng, thể hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội.
2/ Kiểm định chất lượng chưa mang lại tác động tích cực mà còn mang lại phiền phức, tốn kém cho các trường.
3/ Việc tham gia kiểm định chất lượng CTĐT giúp các khoa, bộ môn hiểu hơn về việc phát triển CTĐT.
Kết quả CEA-SAIGON nhận được các phản hồi như sau:
- Có 42/57 (gần 74%) thành viên chọn 1) (Kiểm định chất lượng các CTĐT giúp cho các trường/khoa cải tiến chất lượng, thể hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội).
- Có 24/57 (hơn 42%) thành viên chọn 3) (Việc tham gia KĐ chất lượng CTĐT giúp các khoa, bộ môn hiểu hơn về việc phát triển CTĐT).
- Có 01/57 (1,75%) thành viên chọn 2) (Kiểm định chất lượng chưa mang lại tác động tích cực mà còn gây phiền phức, tốn kém cho các trường).
Qua kết quả thu thập từ 57 ý kiến ở trên cho thấy: Hầu hết các cán bộ làm công tác KĐCLGD đều nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của việc KĐCLGD CTĐT. Một trong những vai trò nổi bật nhất là kiểm định chất lượng các CTĐT giúp cho các trường/khoa cải tiến chất lượng, thể hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội.
Bên cạnh sự tán đồng chủ trương kiểm định chất lượng giáo dục thì có thêm một số ý kiến làm rõ thêm các quan điểm vì sao cần phải quan tâm hơn công tác kiểm định chất lượng giáo dục CTĐT, cụ thể như sau:
- Một số trường xem kiểm định là gánh nặng vì hệ thống quản trị của trường còn chưa tốt, còn nhiều mặt công tác ở mức dưới trung bình, chưa đạt yêu cầu của tiêu chuẩn kiểm định nên phải loay hoay đi tìm cách giải trình, tìm minh chứng, và khi nhiều cán bộ quản lý cấp trường, cấp CTĐT, giảng viên chưa hiểu thế nào là đào tạo để đáp ứng chuẩn đầu ra (vốn là yếu tố sống còn của CTĐT) thì xem kiểm định là gánh nặng cũng không có gì phải ngạc nhiên. Khi trường đã hình thành văn hóa, thì những yêu cầu của kiểm định đã có sẵn, trường cứ vậy lấy ra dùng, không phải vất vả việc giải trình. Cũng cần nhìn nhận thêm một số tổ chức kiểm định nước ngoài (ACBSP, FIBBA…) đánh giá CTĐT của Việt Nam, từ khi đăng ký, hoàn thiện hồ sơ, thực hiện các yêu cầu trong quá trình theo dõi hồ sơ, đến khi đánh giá… cũng mất 3-4 năm... Kiểm định chất lượng đòi hỏi một quá trình, không thể làm cho các trường có ngay văn hóa chất lượng được. Bộ tiêu chuẩn cũng cần rà soát lại để ít trùng lặp, giảm yêu cầu khảo sát điều tra, để các trường đỡ vất vả (GS.TS. Nguyễn Quang Dong – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).
- Các trường nên nghiên cứu Quyết định 78 như trả lời của Cục trưởng Cục QLCL: “các trường đại học nghiên cứu kỹ Quyết định 78 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có lộ trình thực hiện kiểm định. Nhà nước không bắt buộc vội vàng các trường đại học phải thực hiện 100% kiểm định trong chu kỳ 5 năm”. Tôi đồng ý với ý kiến là: "vấn đề quản trị của các trường chưa tốt". Vì các trường còn đối phó khi kiểm định nên xem đó là gánh nặng (ThS. Nguyễn Thị Sáu – KĐV cộng tác viên CEA-SG).
- “Muốn xem vấn đề thật sự hiệu quả như thế nào cần xem lại mục tiêu kiểm định chất lượng giáo dục để làm gì? Kết quả và khuyến nghị của kiểm định chất lượng giáo dục các cơ sở giáo dục đã thật sự sử dụng hiệu quả chưa? Nếu thật sự đã đạt được mục tiêu như mong đợi thì việc này sẽ không được xem là gánh nặng. Tuy nhiên, việc cải tiến công tác kiểm định chất lượng giáo dục cũng cần phải quan tâm để tránh các vấn đề phức tạp” như báo chí đã nêu (PGS. TS. Lê Chi Lan – Trường Đại học Sài Gòn).
- Cái được lớn nhất trong chu kỳ vừa qua của công tác kiểm định là làm thay đổi nhận thức, của không chỉ đội ngũ lãnh đạo các trường mà cả các giảng viên; thông qua các khuyến nghị đề xuất để họ cải tiến, thực hiện và hình thành văn hóa chất lượng mang tính sâu rộng trong nhà trường (TS. Lê Thế Cường – Trường Đại học Vinh).
- Các trường cần có giai đoạn đầu để thích nghi với việc kiểm định (và trường nào đang trong giai đoạn này) thì đúng là gánh nặng do các trường còn lúng túng và khi chưa thiết lập hệ thống quản lý minh chứng hiệu quả. Tuy nhiên, sau lần đầu thì các trường sẽ rút kinh nghiệm cải tiến, thậm chí tự động hóa quy trình quản lý minh chứng thì sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều và từ đó mọi hoạt động của trường sẽ trở nên bài bản và chuyên nghiệp, tạo lập được văn hóa kiểm định. Đó chính là kết quả và hiệu quả do kiểm định mang lại. Kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam đang cần cách nhìn bình tĩnh, hệ thống và tầm nhìn xa, không nên lo sợ và đổi dòng chỉ vì một số ý kiến quan ngại (những ý kiến này không sai nhưng luôn hiện hữu trong bất cứ hoạt động nào. Có quan điểm cho rằng nên cho phép các trường tự kiểm định; tuy nhiên, theo tôi, Việt Nam không nên chuyển sang cơ chế tự kiểm định vì nếu tự kiểm định thì sẽ cho được kết quả “mỹ mãn” hơn hiện nay rất nhiều mà không phản ánh đúng chất lượng của giáo dục đại học, và thực chất chính là tự từ bỏ cơ chế kiểm định chất lượng CTĐT hiện đang đi vào nề nếp. Việc Bộ GD&ĐT yêu cầu đến lúc nào đó 100% các CTĐT phải được kiểm định cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc dần loại bỏ khỏi xã hội các CTĐT không đạt chất lượng. Vấn đề còn lại chỉ là lộ trình thời gian thực hiện và lộ trình giảm thiểu chi phí kiểm định mà thôi. Đối với lộ trình thời gian thì Bộ GD&ĐT cần thống kê số liệu và tốc độ kiểm định hiện nay để đưa ra yêu cầu sát hơn với thực tiễn kiểm định, tránh tình trạng quá tải cho các trường và các Trung tâm kiểm định. Còn về lộ trình giảm thiểu chi phí kiểm định, thực ra chi phí này được cấu thành từ cả chi phí bên trong (xây dựng Báo cáo Tự đánh giá, thu thập minh chứng, cải tiến trong quá trình tự đánh giá chuẩn bị cho đánh giá ngoài) và chi phí bên ngoài (chi phí trực tiếp cho khảo sát đánh giá ngoài). Hiện nay các Trường đang dần tự giảm thiểu các chi phí đó bằng việc rút kinh nghiệm và hợp lý hóa cách xây dựng báo cáo, hệ thống hóa và số hóa các minh chứng đáp ứng yêu cầu của kiểm định, bằng việc kiểm định gộp theo từng nhóm CTĐT, bằng cơ chế đấu thầu. Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sau một thời gian thích ứng và cải tiến thì công tác kiểm định sẽ thuyết phục được toàn xã hội về hiệu quả của nó và sẽ trở nên không thể thiếu được trong cuộc sống giáo dục đại học Việt Nam. Tôi cũng chưa nhìn thấy được cơ chế nào hợp lý hơn và hiệu quả cao hơn cơ chế kiểm định hiện nay mà chúng ta đang dần hoàn thiện. (PGS. TS. Bùi Đăng Hiếu – Trường Đại học Luật Hà Nội).
Phỏng vấn Người học tại Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh
Tuy nhiên, bên cạnh sự tán đồng về công tác kiểm định chất lượng giáo dục CTĐT thì có thêm ý kiến về việc thực hiện chủ trương kiểm định chất lượng CTĐT như sau:
Kiểm định chất lượng CTĐT có mang lại tác động tích cực, nhưng cũng làm tốn kém thời gian và tiền bạc. Việc yêu cầu 80% CTĐT cần đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đến năm 2030 thì có thể cân nhắc: vì khi CSGD có CTĐT được kiểm định là đã được khuyến nghị và đề xuất cải tiến nên biết cách cần làm gì và làm như thế nào để nâng cao chất lượng và tất cả các CTĐT còn lại vận hành và quản lý giống/tương đương vậy; trong khi đó, CSGD cũng đã được kiểm định rồi thì cấp hệ thống khá ổn để vận hành 100% các CTĐT của trường.
Quan điểm của CEA-SG và kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục cho thấy: việc kiểm định chất lượng CTĐT là một phần quan trọng trong quá trình giáo dục và đào tạo của 01 CSGD. KĐCLGD giúp bảo đảm CTĐT đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu chất lượng, bảo đảm rằng người học nhận được một trải nghiệm học tập tốt và chuẩn bị cho tương lai. Bên cạnh đó, kiểm định chất lượng bảo đảm giúp CTĐT đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và quốc tế. Điều này bảo đảm rằng sinh viên được cung cấp kiến thức và kỹ năng tốt nhất. Ngoài ra, từ kết quả khuyến nghị của việc KĐCLGD, các trường sẽ cải thiện liên tục để nâng cao hiệu suất đào tạo, tăng cường uy tín của CSGD, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới phương thức đào tạo đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội và thị trường lao động. Ví dụ: ở Hoa Kỳ, có 06 trung tâm kiểm định chất lượng CSGD và rất nhiều trung tâm thực hiện kiểm định chất lượng CTĐT và các trung tâm kiểm định CTĐT này gắn với thị trường lao động. Hiện nay, các trung tâm kiểm định quốc tế đang được phép hoạt động tại Việt Nam cũng tập trung vào kiểm định chất lượng các CTĐT. Việc kiểm định này giúp cho xã hội có các thông tin minh bạch, đáng tin cậy và giúp người học lựa chọn trước khi ra quyết định nhập học.
Việt Nam vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều nhằm xây dựng văn hóa chất lượng BÊN TRONG nhà trường, tự cải tiến chương trình đào tạo. Lúc đó, đánh giá từ bên ngoài chắc chắn sẽ không còn là việc đối phó và gánh nặng của các trường.
Theo CEA-SAIGON
TT.QLCL