1982
Bên cạnh chức năng quản lý, giáo dục người học của các thầy, cô giáo và cán bộ nhà trường thì nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ rất quan trọng và bắt buộc. Vậy cách tiếp cận hoạt động nghiên cứu khoa học của giảng viên Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM như thế nào?
“Nghiên cứu khoa học là một hoạt động xã hội hướng vào tìm kiếm những điều mà khoa học chưa biết; hoặc là phát hiện bản chất sự vật, phát triển nhận thức khoa học về thế giới; hoặc là sáng tạo phương pháp mới và phương tiện kĩ thuật mới để cải tạo thế giới”. (Vũ Cao Đàm - “Phương pháp luận nghiên cứu khoa học” - Nhà xuất bản khoa học và kĩ thuật, Hà Nội 1998 tr.18).
Hàng năm, nhà trường đều ra thông báo để các giảng viên, cán bộ của trường đăng ký tham gia nghiên cứu khoa học. Các đề tài được tuyển chọn và đánh giá một cách công bằng, công khai và minh bạch từ khâu đăng ký, cấp phát kinh phí đến khi nghiệm thu đề tài. Giảng viên và cán bộ của nhà trường được hỗ trợ tối đa trong công tác nghiên cứu khoa học để tạo ra các sản phẩm trí tuệ có giá trị và phù hợp với thời đại.
Nhiệm vụ khoa học là một hoạt động thường xuyên và bắt buộc, là một giảng viên của HUFI, cô có thấy áp lực về vấn đề nghiên cứu khoa học không?
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Như (Giảng viên khoa Công nghệ thực phẩm) cho biết: Bản thân tôi ý thức được nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là một hoạt động cần thiết và quan trọng giúp cho giảng viên tiếp cận với xu hướng phát triển khoa học của thế giới và Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu khoa học giúp cho giảng viên “ngộ” thêm lượng kiến thức mới từ những nguồn khác nhau để đánh giá và hoàn thiện lại những kiến thức của chính bản thân mình và giúp giảng viên tự “update” thông tin, kiến thức một cách thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu khoa học của giảng viên có sự tham gia hỗ trợ của sinh viên, giúp cho các bạn sinh viên có cơ hội bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu đồ án, khóa luận tốt nghiệp trước khi ra trường.
Cách tiếp cận để đưa ra được tên cũng như một nội dung cần nghiên cứu của 1 đề tài nghiên cứu khoa học là như thế nào?
“Trước tiên tôi sẽ chọn đối tượng nghiên cứu để giới hạn được thuật ngữ tìm kiếm. Sau đó, tôi sẽ tìm kiếm các bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí uy tín của Thế giới và Việt Nam, xem những xu hướng khoa học hiện nay và đưa ra hướng nghiên cứu của mình sao cho khác biệt, mới và phù hợp”, Cô Quỳnh Như cho biết thêm.
Các bước cần thiết để có được một đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH)
Để có được một đề tài NCKH, một sáng kiến kinh nghiệm, một đồ dùng dạy học có giá trị nào đó, tác giả cần tuân theo các bước sau:
- Chọn đề tài nghiên cứu.
- Chuẩn bị đề tài nghiên cứu: Tác giả phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu và điều kiện cơ sở vật chất, thời gian, sự tham gia hỗ trợ của các tổ chức... (Đề tài lớn phải được thông qua các cấp có liên quan). Xác định được mục đích, nhiệm vụ, đối tượng, nội dung và phương pháp nghiên cứu...
- Tiến hành làm đề tài nghiên cứu khoa học theo kế hoạch: Điều tra, thu thập dữ liệu, so sánh, phân tích, thực nghiệm (nếu cần), viết báo cáo.
- Hoàn chỉnh đề tài nghiên cứu khoa học: Kiểm tra, thông qua, hiệu chỉnh và xuất bản, phát hành (nếu cần).
- Báo cáo đề tài NCKH: Báo cáo (nghiệm thu) với cấp đăng ký đề tài và lấy ý kiến đóng góp, xây dựng cho đề tài (nếu có).
Nghiên cứu khoa học trong giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy
Ở các cơ sở giáo dục, nhiều cán bộ, giảng viên thường quan niệm NCKH là cái gì đó cao, xa, mới mẻ, khó có đủ điều kiện để làm. Tuy nhiên nếu hiểu đúng bản chất của vấn đề NCKH, thì đây chính là nhu cầu tất yếu của công việc chuyên môn thường ngày của tất cả mọi đối tượng trong đơn vị. Tham gia nghiên cứu khoa học; phổ biến những vấn đề khoa học, ứng dụng công nghệ mới vào công việc chuyên môn ... cũng chính là thực hiện nghiêm Đường lối, Quan điểm của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, với vai trò quan trọng của tri thức khoa học, việc đẩy mạnh NCKH trong giảng viên càng có ý nghĩa thiết thực. Hoạt động NCKH của giảng viên là một hoạt động rất quan trọng trong việc biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Đây cũng là cơ sở cần thiết để tiến hành đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Xuân Lợi
Xem thêm :