Chiều ngày 18/5/2021, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì buổi làm việc trực tuyến cùng 9 trường đại học thuộc Bộ.
Cùng tham dự buổi làm việc, tại điểm cầu trụ sở Bộ Công Thương có Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Đặng Hoàng An và đại diện các đơn vị: Vụ Tổ chức và cán bộ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Vụ Khoa học và công nghệ, Vụ Pháp chế, Vụ Tài chính, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ… Về phía các điểm cầu tại trụ sở các Trường, có Bí thư – Hiệu trưởng, các Phó Hiệu trưởng của 9 trường: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Điện lực, Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Công nghiệp Việt – Hung, Đại học Công nghiệp Việt Trì, Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, Đại học Sao Đỏ, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Công nghiệp Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, thực hiện chương trình làm việc đã đề ra, tiếp theo các buổi làm việc với các Cục, Vụ thuộc Bộ, trong tháng 5/2021 này, Lãnh đạo Bộ sẽ làm việc cùng các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ, các Tập đoàn, Tổng công ty lớn để triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong thời gian tới. Bộ trưởng yêu cầu tại buổi làm việc này, đại diện các Trường và các đơn vị thuộc Bộ tham dự buổi làm việc sẽ trao đổi thẳng thắn các vấn đề còn tồn tại, tìm hiểu cụ thể nguyên nhân, từ đó, cùng thảo luận hướng xử lý, khắc phục. “Chúng ta cũng sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn cho các hệ thống giáo dục thuộc Bộ. Mục tiêu của chúng ta là phải nỗ lực để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công Thương, cho sự phát triển chung của xã hội” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc trực tuyến cùng 9 trường đại học thuộc Bộ
Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc thực hiện nhiều giải pháp
Theo Báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ, khối các trường đại học Bộ Công Thương gồm có 09 cơ sở trực thuộc, có địa điểm tại 6 tỉnh, thành phố, trong đó 7/9 trường ở phía Bắc.
Các cơ sở đào tạo đại học thuộc Bộ xuất thân từ các trường dạy nghề công nhân ngành công nghiệp, trải qua bề dày xây dựng và phát triển, đến nay trở thành các trường đại học theo định hướng ứng dụng, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành Công Thương và cho xã hội trong các lĩnh vực: cơ khí, hóa chất, điện, điện tử, tự động hóa, kinh doanh,...
Các trường luôn chủ động trong công tác tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc thực hiện nhiều giải pháp, như: bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; xây dựng, nâng cấp chương trình, giáo trình; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị; nghiên cứu khoa học và hợp tác trong nước, quốc tế…
Trình độ của đội ngũ các bộ quản lý và giảng viên có sự cải thiện. So sánh năm học 2020-2021 với năm học 2018-2019, tỷ lệ cán bộ quản lý trình độ tiến sĩ và giáo viên (gồm cả thỉnh giảng) trình độ tiến sĩ đều tăng 3%; tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư tăng 33%. Các giảng viên trẻ đi học nước ngoài về bước đầu áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức tiên tiến trên thế giới vào giảng dạy.
Những năm gần đây, nhờ các trường chủ động tăng cường gắn kết với các doanh nghiệp và khuyến khích hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp mà phần lớn sinh viên ra trường có việc làm ngay.
Công tác đào tạo, tuyển sinh; tổ chức cán bộ; nghiên cứu khoa học; đầu tư cơ sở vật chất; vấn đề tài chính… là những nội dung chính được Lãnh đạo 9 trường đại học chia sẻ tại buổi làm việc. Các ý kiến đề cập trong buổi làm việc không đọc báo cáo, không trình bày các kết quả đạt được mà chủ yếu nêu những khó khăn, hạn chế và giải pháp đề ra. Nhiều ý kiến đồng tình với chia sẻ của Bí thư – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội Trần Đức Quý. Theo đó, tự chủ là một áp lực rất lớn với các trường đại học. Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp nhấn mạnh, để đảm bảo tự chủ thành công, các văn bản pháp luật rất quan trọng, giúp các Trường có căn cứ thực hiện. Tuy nhiên, tự chủ vẫn rất cần sự quan tâm, ủng hộ, sự sâu sát trong chỉ đạo, điều hành của Bộ chủ quản.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng
Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thẳng thắn tại buổi làm việc, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, hiện tại các trường đang có những vướng mắc do quá trình triển khai chưa đồng bộ. Thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã giải đáp cụ thể một số ý kiến của các trường tại buổi làm việc và nhấn mạnh, các ý kiến còn lại sẽ được tổng hợp và các Cục, Vụ thuộc Bộ sẽ hỗ trợ các trường giải quyết cụ thể.
Xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo mở
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh 3 nhiệm vụ cơ bản đối với hệ thống các trường đại học do Bộ quản lý:
Một là, xây dựng cơ sở giáo dục đào tạo mở về đối tượng, mở về tài nguyên giáo dục, mở mở về phương pháp, mở về ý tưởng, mở về địa điểm, mở về công nghệ học tập; tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi; tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.
Hai là, tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới quản trị đại học theo hướng tăng cường tự chủ và ứng dụng công nghệ số.
Ba là, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Để thực hiện được 3 nhiệm vụ chính đó, Bộ trưởng yêu cầu các Vụ, Cục căn cứ vào các kiến nghị, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ sớm giải quyết, tập trung tháo gỡ khó khăn theo đúng thẩm quyền của mình.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận buổi làm việc
Đối với các trường đại học, Bộ trưởng yêu cầu:
Khẩn trương hoàn thành việc thành lập Hội đồng; xây dựng, gửi Bộ có ý kiến về quy chế Hội đồng trường trong thời gian sớm nhất.
Chuẩn hóa chức năng, nhiệm vụ của các Trường, các đơn vị trong Trường theo hướng đào tạo và nghiên cứu khoa học liên ngành, ứng dụng thực tiễn.
Kiện toàn các thiết chế trong nhà trường: từ Hội đồng trường, các cấp ủy và tổ chức đảng; cố gắng khai thác vai trò của các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên.
Tiến hành khảo sát nhu cầu người học, nhu cầu của người sử dụng lao động để có những lựa chọn phù hợp trong đào tạo đúng nhu cầu thực tiễn.
Chú trọng đẩy mạnh công tác tuyển dụng để tuyển chọn đội ngũ giáo viên tốt, có kinh nghiệm trong giảng dạy; chú trọng đào tạo kiến thức nhưng đồng thời chú trọng đào tạo phẩm chất đạo đức, đào tạo kỹ năng thực hành.
Phát huy dân chủ trong nhà trường, áp dụng công nghệ số trong quản lý.
Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.
Các Trường chia sẻ kinh nghiệm trong đào tạo để giải quyết khó khăn hiện tại.